Bác sỹ Xương khớp online xin chào, chúc bạn sức khỏe và bình an!
Phòng khám Xương khớp online

Tập phục hồi chức năng sau nội soi khớp vai khâu chóp xoay

Chủ Nhật, 29/10/2023
Ngọt Bùi Đức

Hướng dẫn trước phẫu thuật

  Hãy liên hệ với Bs Bùi Đức Ngọt theo số điện thoại: 0973932912 hoặc gửi email: Zego2009@gmail.com để đặt lịch khám và phẫu thuật, khi đủ điều kiện phẫu thuật, bạn sẽ được đặt lịch trong vòng 1 - 2 ngày.

  Quy trình thực hiện phẫu thuật tại khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Bưu Điện:

- Liên hệ và khám với bác sỹ Bùi Đức Ngọt tại Bệnh viện Bưu Điện

- Khám lâm sàng, chụp các phim để chẩn đoán và làm xét nghiệm trước mổ

- Nghe tư vấn kỹ càng về phẫu thuật và quá trình điều trị sau mổ.

Trước ngày mổ 1 ngày:

- Bạn nhập viện và lên lịch mổ vào ngày hôm sau

- Khám tiền mê có nghĩa là bác sỹ chuyên khoa Gây mê hồi sức sẽ khám và tư vấn về phương pháp gây mê và phương pháp giảm đau sau mổ

- Bạn có thể về nhà để nghỉ qua đêm sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính và địa chỉ nhà cách không quá xa bệnh viện. Trong trường hợp này, bạn cần có mặt tại bệnh viện vào 6 - 6h30 sáng ngày mổ.

- Không cần nhịn ăn uống, tuy nhiên nên ăn uống các loại thực phẩm dễ tiêu.

Trong ngày mổ:

- Nhịn ăn uống hoàn toàn theo hướng dẫn của các bạn điều dưỡng chăm sóc tại phòng bệnh. Trong trường hợp bạn mổ buổi chiều, bạn vẫn có thể ăn sáng bằng cháo/ bún/ phở trước 7h sáng, sau đó nhịn ăn uống hoàn toàn, nếu cảm thấy đói, bạn có thể liên hệ các bạn điều dưỡng để được hướng dẫn việc ăn uống tiếp theo.

- Bạn nên hạn chế đi lại và ở tại phòng bệnh để các bạn điều dưỡng đưa bạn xuống phòng mổ để thực hiện phẫu thuật.

Tập PHCN trong giai đoạn còn đang nằm viện (trong tuần đầu sau mổ)

Mục tiêu:

 - Kiểm soát đau và phù nề

 - Bảo vệ mối khâu gân

 - Bảo vệ sự liền thương

 - Bắt đầu vận động sớm khớp vai

Các hoạt động trong giai đoạn này:

+ Ngay sau khi phẫu thuật:

   - Sau phẫu thuật, bạn sẽ được đưa vào phòng hồi tỉnh, đây là khu vực chăm sóc đặc biệt và người nhà không vào được, tay bên mổ sẽ được treo bằng băng cuộn và trong một số trường hợp có thể kê thêm một gối ở dưới cánh tay để nâng cao hơn nữa. Khi tình trạng ổn định, bạn sẽ được các bạn điều dưỡng chăm sóc đưa về phòng bệnh.

   - Bạn không nên nằm nhiều tại giường mà nên di chuyển càng nhiều càng tốt.

   - Khi nằm trên giường, bạn nên nằm đầu cao và kê một gối nhỏ ở dưới cánh tay để giữ cho khớp vai hơi dạng nhẹ, sẽ giúp mối khâu được chùng và hồi phục tốt hơn.

   - Tăng cường chườm lạnh khớp vai để giảm đau và phù nề, không nên chườm trực tiếp đá lạnh vào vùng vai vì có thể gây bỏng lạnh. Bạn nên duy trì nhiệt độ chườm lạnh khoảng 5 - 10o sẽ tốt cho việc hồi phục của khớp.

   - Bạn nên vận động nhiều gân cơ chi trên phía dưới vai (gồm: ngón tay, bàn tay và cẳng tay) vì nó giúp tăng cường tuần hoàn tại vùng chi trên, hạn chế biến chứng huyết khối và giảm thời gian hồi phục.

  - Bạn sẽ đau vết mổ nhiều trong một vài ngày đầu sau mổ và bác sỹ đều cho đủ giảm đau cho bạn trong thời gian này mà vẫn an toàn nên nếu đau nhiều, bạn có thể báo lại nhân viên y tế để bổ sung thêm thuốc.

  - Trong trường hợp bình thường, bạn sẽ xuất viện sau 4 - 5 ngày điều trị khi: Đỡ đau, nắm được mục tiêu và các bài tập giai đoạn 3 tuần đầu tiên sau mổ - Giai đoạn vàng của tập phục hồi chức năng sau mổ.

  - Sau khi ra viện, bạn sẽ được bác sỹ kê đơn để tiếp tục điều trị theo đơn thuốc và dặn dò của bác sỹ, thay băng 2 ngày 1 lần, cắt chỉ vết mổ sau khoảng 14 ngày (tính từ ngày phẫu thuật).

Giai đoạn I: 0 - 1 tuần đầu sau mổ

Mục tiêu:

Bảo vệ và tránh làm hỏng các mũi khâu chóp xoay

+ Đảm bảo liền thương tốt

+ Tránh cứng khớp vai

+ Bắt đầu lấy lại tầm vận động khớp vai.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

+ Treo tay vào cổ bằng 1 khăn to bản: Treo hầu hết thời gian trong ngày, chỉ bỏ ra khi tập phục hồi chức năng.

+ Có thể chườm đá giúp giảm sưng nề và giảm đau.

+ Vận động nhẹ nhàng các ngón tay, cổ tay và khuỷu.

+ có thể bỏ băng vết thương và tắm được, nhưng không cho xà phòng tiếp xúc trực tiếp vào vết mổ.

+ Giữ cho khuỷu luôn hướng ra phía trước, tránh đưa khuỷu ra sau.

+ Thay băng vết mổ 2 ngày/ lần.

+ Cắt chỉ sau 10 ngày.

Giai đoạn II: tuần thứ 2 đến tuần thứ 5

Mục tiêu:

Bảo vệ và tránh làm hỏng các mũi khâu chóp xoay

+ Đảm bảo liền thương tốt

+ Tránh cứng khớp vai

+ Bắt đầu lấy lại tầm vận động khớp vai.

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày:

+ Vẫn tiếp tục treo tay vào cổ, chỉ bỏ ra khi tập. Treo tay khoảng 4 tuần.

+ Có thể sử dụng tay bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, tránh các động tác làm xoay vai ra ngoài hoặc làm cánh tay dạng ra xa thân mình, không nâng đồ vật bằng tay mổ.Có thể gấp duỗi khuỷu được và sử dụng các ngón tay và bàn tay. Luôn giữ khuỷu ở phía trước thân mình.

Tập vận động:

Bài tập căng dãn cơ và biên độ vận động:

 + Lắc vai: Cúi người, nhẹ nhàng đung đưa tay ra trước và sau một cách nhịp nhàng

Bài tập lắc vai

Tập sức cơ:

 + Tập sức cơ (xoay trong và xoay ngoài cẳng tay): Đứng đối diện với gờ cửa hoặc bờ tường. Giữ khuỷu vuông góc và khép sát vào thân mình,  xoay trong cẳng tay hoặc xoay ngoài cẳng tay ép vào gờ tường với các ngón tay ngửa, giữ như vậy trong 5 giây. Lặp đi lặp lại 10-15 lần.

Tập sức cơ xoay trong và xoay ngoài cẳng tay

 + Bài tập sức cơ với gậy: Nằm ngửa và xoay ngoài cẳng tay. Bệnh nhân nằm ngửa để 2 khuỷu gấp 900 và nắm chặt lấy 1 chiếc gậy. Dùng tay lành đẩy nhẹ vào gậy còn tay bệnh giữ ngược lại. Duy trì trong khoảng 10 giây, sau đó nghỉ và tiếp tục lặp lại 10-15 lần.

Bài tập sức cơ với gậy

Giai đoạn III: tuần thứ 5 đến tuần thứ 8

Mục tiêu:

+ Bảo vệ khớp vai, tránh các động tác quá sức cho dây chằng.

+ Tăng biên độ vận động của khớp vai.

+ Bắt đầu các bài tập thể lực.

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày:

          + Có thể sử dụng khớp vai bị bệnh trong hầu hết các sinh hoạt hàng ngày. Tránh các động tác đưa tay kéo các vật nặng phía sau thân mình, tránh nâng nhấc các vật nặng.

          + Không đưa các vật cao quá đầu và sau đầu.

Tập luyện:

Bài tập biên độ vận động:

Lắc vai: Cúi người, nhẹ nhàng đung đưa tay ra trước và sau một cách nhịp nhàng

Tập sức cơ (xoay trong và xoay ngoài cẳng tay): Đứng đối diện với gờ cửa hoặc bờ tường. Giữ khuỷu vuông góc và khép sát vào thân mình,  xoay trong cẳng tay hoặc xoay ngoài cẳng tay ép vào gờ tường với các ngón tay ngửa, giữ như vậy trong 5 giây. Lặp đi lặp lại 10-15 lần.

Bài tập sức cơ với gậy: Nằm ngửa và xoay ngoài cẳng tay. Bệnh nhân nằm ngửa để 2 khuỷu gấp 900 và nắm chặt lấy 1 chiếc gậy. Dùng tay lành đẩy nhẹ vào gậy còn tay bệnh giữ ngược lại. Duy trì trong khoảng 10 giây, sau đó nghỉ và tiếp tục lặp lại 10-15 lần.

Bài tập nâng tay ra trước qua đầu khi nằm ngửa: Nằm ngửa, Dùng tay lành nắm cổ tay bệnh đưa từ từ lên cao quá đầu, sau đó nhẹ nhàng đưa tay xuống giường.

Bài tập nâng tay ra trước qua đầu khi nằm ngửa

Bài tập căng cơ - gấp chéo khớp vai khi nằm ngửa (Supine cross-chest stretch): Nằm ngửa, tay lành giữ lấy khuỷu tay bên bệnh, kéo về phía vai bệnh, giữ khoảng 10 giây, sau đó đưa lại vị trí ban đầu.

Bài tập căng cơ gấp chéo khớp vai khi nằm ngửa

Bài tập căng cơ khi trượt và xoay trong (Sidelying internal rotation stretch): Nằm nghiêng, tay bệnh ở dưới, khuỷu gấp 90 độ, tay lành nắm lấy tay bệnh ghì lại, xoay trong tay bệnh, sao cho ngón cái chạm xuống giường, giữ khoảng 10 giây, sau đó đưa lại vị trí ban đầu.

Bài tập căng cơ khi trượt và xoay trong

Bài tập nâng tay ra trước–qua đầu (Seated/Standing Forward Elevation (Overhead Elbow Lift): Tay lành giữ cổ tay bệnh với ngón cái hướng lên trên, khuỷu tay thẳng, đưa tay lên cao quá đầu, đưa lên cao từ từ tăng dần.

Bài tập nâng tay ra trước qua đầu

Bài tập chéo thuyền (rowing) có tạ khi nằm sấp (Prone rowing): Nằm sấp, khuỷu thẳng, tay cầm 1 tạ nhỏ (0,5-1kg), đưa khuỷu lên trên, sao cho cánh tay thẳng với thân mình, sau đó đưa cánh tay trở lại vị trí ban đầu.

Bài tập chèo thuyền (rowing) có tạ

Bài tập dạng có tạ khi nằm sấp: (Prone horizontal abduction): Nằm sấp , khuỷu thẳng, tay cầm 1 tạ nhỏ (0,5-1kg), đưa khuỷu sang ngang, sao cho cánh tay vuông góc  với thân mình, sau đó đưa cánh tay trở lại vị trí ban đầu.

Bài tập dạng khi nằm sấp

Bài tập duỗi có tạ khi nằm sấp: (Prone extension): Nằm sấp , khuỷu thẳng, tay cầm 1 tạ nhỏ ( 0,5-1kg), đưa toàn bộ tay lên dọc theo thân mình, khuỷu vẫn giữ thẳng, sau đó đưa cánh tay trở lại vị trí ban đầu.

Bài tập duỗi có tạ

Bài tập xoay ngoài có tạ: (Sidelying external rotation): Nằm nghiêng bên vai lành, tay cầm 1 tạ nhỏ (0,5-1 kg) để sát giường, cánh tay nằm dọc theo thân mình, khuỷu gấp 90 độ, đưa từ từ cẳng tay song song với thân mình, sau đó đưa lại vị trí ban đầu.

Bài tập xoay ngoài có tạ

Giai đoạn IV: tuần thứ 8 đến tuần thứ 12:

Mục tiêu:

+ Giữ an toàn cho khớp vai sau mổ.

+ Phục hồi lại tất cả các biên độ của khớp vai.

+ Tiếp tục tập luyện sức cơ của vai.

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày:

+ Có thể sử dụng vai đã phẫu thuật trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng vẫn phải tránh động tác kéo vật nặng từ phía sau thân mình, và nâng nhấc vật nặng.

+ Vẫn tránh nhấc vật nặng lên cao quá đầu.

Các bài tập: tương tự như giai đoạn II, nhưng thêm 1 số bài tập sau:

Bài tập căng – trượt tay trên tường (Wall slide stretch): Đứng quay mặt vào tường, để 2 lòng bàn tay sát vào tường, ngang đầu, từ từ đưa 2 tay lên cao qua đầu, đồng thời đưa thân mình ra phía trước, giữ trong khoảng 10 giây, sau đó quay lại vị trí ban đầu.

Bài tập căng trượt khớp vai trên tường

Bài tập đưa tay qua đầu (Hand-behind-the-head stretch): Nằm ngửa, 2 bàn tay gài vào nhau, khuỷu hướng ra phía trước, đưa 2 tay ra sau đầu, từ từ và nhẹ nhàng, giữ khoảng 10 giây, sau đó đưa 2 tay lại vị trí ban đầu.

Bài tập đưa tay qua đầu khi nằm

Bài tập nâng tạ khi nằm sấp (Prone external rotation at 90º Abduction): Nằm sấp , khuỷu thẳng, tay cầm 1 tạ nhỏ ( 0,5-1kg), đưa khuỷu lên trên sao cho cánh tay vuông góc với thân mình, tiếp tục đưa cổ tay ra trước, sau đó đưa cánh tay trở lại vị trí ban đầu.

Bài tập nâng tạ khi nằm sấp

Bài tập gấp khớp vai ra trước khi đứng (Standing forward flexion (‘full-can’) exercise): Đứng nhìn vào gương, 2 bàn tay nắm chặt, ngón cái hướng ra trước và lên trên, khuỷu tay thẳng, từ từ đưa 2 tay lên cao , ngang đầu và sang 2 bên thân mình khoảng 30 độ, giữ khoảng 2 giây, sau đó đưa lại vị trí ban đầu , lặp lại khoảng 10 lần.

Bài tập gấp khớp vai ra trước khi đứng

Bài tập dạng cánh tay (Lateral Raises): Đứng thẳng, 2 bàn tay nắm chặt, 2 ngón tay hướng ra trước, đưa 2 tay sang ngang, sao cho bằng vai, không quá 2 vai, giữ khoảng 3 giây, sau đó đưa 2 tay về vị trí ban đầu, lặp lại khoảng 10 lần

Bài tập dạng cánh tay