Bác sỹ Xương khớp online xin chào, chúc bạn sức khỏe và bình an!
Phòng khám Xương khớp online

Giải phẫu khớp háng

Chủ Nhật, 22/10/2023
Ngọt Bùi Đức

  Khớp háng là một trong những khớp chỏm cầu lớn nhất của cơ thể với chức năng chính là chịu trọng lượng cơ thể và truyền các lực tác dụng đi từ phần trục cơ thể đến chi dưới. Đây cũng là một trong những khớp quan trọng nhất trong dáng đi thắng của con người. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với các bạn về cấu tạo giải phẫu của khớp háng bao gồm: xương, sụn khớp, bao khớp và các dây chằng của khớp háng.

Cổ và chỏm xương đùi

  Chỏm xương đùi có hình cầu, lên trên, vào trong và hơi chếch ra trước.

  Chỏm xương đùi có đường kính dao động từ 40-60mm.

Các xương và mạch máu quanh khớp háng

  Cổ xương đùi là phần tiếp nối chỏm và khối mấu chuyển, dài khoảng 3-5cm ở người lớn, có hình trụ, hướng lên trên, vào trong và nghiêng ra trước so với mặt phẳng ngang đi qua lồi cầu sau xương đùi và thân xương đùi, dao động trong khoảng -9o đến +35o, trung bình khoảng +12,3o.Góc nghiêng này đảm bảo cho sự chịu lực đặc biệt lớn của vùng cổ xương đùi trong trường hợp bước lên bậc hoặc nhảy gấp đùi, lực tác dụng lên cổ xương đùi có thể gấp 8 lần trọng lượng cơ thể.

  Cấu trúc ống tủy phía đầu gần xương đùi cũng khác nhau và ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của phẫu thuật thay khớp háng. Tùy theo độ rộng của ống tủy và bề dày lớp vỏ xương trên phim chụp XQ, Dorr và cs đã chia thành 3 type

Xương chậu - Ổ cối

  Nằm ngay trên lỗ bịt, được hợp lại bởi 3 xương: xương chậu và xương ngồi góp 80% và xương mu góp 20% còn lại.

  Sụn viền giúp ổ cối sâu hơn và giúp khớp háng ổn định hơn. Sụn viền rộng nhất ở phía sau dưới của ổ chảo (6,4 mm ± 1,7mm) và dày nhất ở phía trên trước của ổ chảo (5,5 mm ± 1,5mm). Sụn viền này không liên tục mà ở phía dưới có khuyết vành ổ cối, nơi có dây chằng ngang ổ cối chạy qua.

Bao khớp

  Bao gồm 2 lớp: Lớp xơ ở ngoài và lớp màng hoạt dịch bên trong.

Lớp xơ

- Về phía cánh chậu: Bám vào quanh ổ cối, mặt ngoài sụn viền.

- Về phía xương đùi: Mặt trước bám vào đường gian mấu, mặt sau bám vào chỗ nối 1/3 ngoài và 2/3 trong của xương đùi.

Màng hoạt dịch:

  Lát ở mặt trong lớp xơ. Ngoài ra, nó còn lật lên, bao quanh cổ xương đùi và dây chằng chỏm đùi.

Các dây chằng

Các dây chằng khớp háng

Dây chằng trong khớp:

  Dây chằng tròn (dây chằng chỏm đùi): Một đầu bám vào hõm chỏm xương đùi, một đầu bám vào dây chằng ngang nối 2 bờ khuyết của ổ cối. Trong dây chằng này có động mạch và thần kinh đi kèm.

Dây chằng ngoài khớp

* Dây chằng chậu – đùi: Là dây chằng khoẻ nhất trong cơ thể, nhìn từ trên xuống có dạng hình chữ Y. Nó đi từ gai chậu trước trên và viền của ổ cối và bám tận tại cạnh trước của xương đùi. Dây chằng này chia ra và bám ở cả cổ xương đùi và xa hơn ở đầu trên xương đùi. Tác dụng của dây chằng này là hạn chế sự quá duỗi và xoay trong của khớp háng.

* Dây chằng mu – đùi: Nối từ gai mu trên (thuộc xương mu) và tới bám vào đường gian mấu của xương đùi. Vai trò của dây chằng này là giới hạn sự dạng và xoay ngoài của khớp háng.

* Dây chằng ngồi – đùi: Bám vào thân xương ngồi tới mấu chuyển lớn của xương đùi, những sợi sâu của dây chằng này hoà với lớp xơ của bao khớp tạo nên đai vòng.

  Mặc dù mỏng và tròn hơn các sợi của dây chằng chậu đùi, dây chằng mu đùi và ngồi đùi hoà nhập và làm mạnh thêm mặt trước và mặt sau của khớp. Dây chằng mu đùi bám dọc theo vành trước và dưới của ổ cối và các vùng lân cận của ngành xương mu và màng bịt. Các sợi này hoà trộn với các bó trong của dây chằng chậu đùi, trở nên bè ra khi dạng và duỗi hết mức khớp háng.

  Vai trò của dây chằng này là giới hạn sự xoay trong và sự khép của khớp háng khi gấp.

  Trong thay khớp háng toàn phần bằng đường vào phía sau, dây chằng ngồi đùi và bao khớp phía sau bị cắt bỏ, do đó mất giới hạn sự xoay trong và sự khép của khớp háng khi gấp. Đây là lý do BN sau mổ thay khớp bằng đường vào phía sau dễ bị trật khớp ra sau, nhất là khi khớp háng xoay trong và khép khi gấp.

Các động tác bình thường của khớp háng

Các động tác của khớp háng 

  - Gấp đùi: Do các cơ thắt lưng chậu, cơ thẳng đùi (cơ tứ đầu đùi) và cơ may phối hợp vận động. Các cơ này đều do thần kinh đùi chi phối vận động. Tầm vận động khi gối gấp là 1300 – 1400 (theo ACSM).

    - Duỗi đùi: Do các cơ ngồi đùi (cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân và cơ bán màng) phối hợp tạo nên. Các cơ này đều chịu sự chi phối của thần kinh chày (một nhánh của thần kinh ngồi. Tầm vận động khi duỗi đùi là 100 - 300 (ACSM).

    - Dạng đùi: Do cơ mông nhỡ và cơ mông bé phối hợp gây ra động tác. 2 cơ này đều do thần kinh mông trên phân nhánh vận động. Tầm vận động khi dạng đùi là 400 – 500 (ACSM).

    - Khép đùi: Do nhóm cơ khép đùi phối hợp gây ra động tác: Cơ lược, cơ thon, cơ khép ngắn, cơ khép dài, cơ khép lớn. Các cơ này chịu sự chi phối của các nhánh của thần kinh bịt. Tầm vận động khi khép đùi là 100 – 300 (ACSM)

    - Xoay trong: Do sự co của các sợi trước của cơ mông nhỡ và cơ mông bé, dưới sự chi phối của thần kinh mông trên. Tầm vận động khi xoay trong là 300 – 450 (ACSM).

    - Xoay ngoài: Các cơ chậu hông mấu chuyển (cơ hình lê, cơ sinh đôi trên và dưới, cơ bịt trong, cơ hình lê, cơ vuông đùi) phối hợp vận động, chịu sự chi phối thần kinh của thần kinh mông dưới. Tầm vận động khi xoay ngoài là 450 – 600 (ACSM)

Viết bình luận của bạn