Bác sỹ Xương khớp online xin chào, chúc bạn sức khỏe và bình an!
Phòng khám Xương khớp online

Trật khớp vai tái diễn

Chủ Nhật, 11/08/2024
Ngọt Bùi Đức

Trật khớp vai tái diễn

Ths. BSNT. Bùi Đức Ngọt

 

Trong cơ thể, khớp vai có cử động linh hoạt nhất, có thể chuyển động theo nhiều hướng. Vì vậy, đây là loại khớp dễ bị trật nhất của cơ thể. Trật khớp vai dễ bị tái lại, và khi bị lặp lại, khả năng tự liền của bao khớp giảm xuống và cần can thiệp phẫu thuật để phòng ngừa trật tái diễn.

1. Trật khớp vai tái diễn là gì?

Trật khớp vai tái diễn là tình trạng trật khớp vai tái đi tái lại một phần hoặc toàn bộ chỏm xương cánh tay khỏi ổ chảo xương vai. Trật khớp vai chiếm 45 – 50% tổng số trật khớp của cơ thể người.

          Mất vững khớp vai gây trật khớp vai tái diễn nếu không được điều trị đúng mức sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện thể thao, lao động và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

 2. Nguyên nhân gây trật khớp vai tái diễn là gì?

Bệnh nhân có thể bị trật khớp vai nhiều năm, dễ tái phát vì những nguyên nhân sau:

2.1. Tổn thương nghiêm trọng ở lần trật vai đầu tiên

Khi chỏm xương cánh tay trật khỏi ổ chảo, xương ổ chảo và các dây chằng xung quanh thường bị tổn thương nặng. Hơn nữa, vành sụn xung quanh ổ chảo (gọi là sụn viền ổ chảo) cũng có thể bị rách và tổn thương nghiêm trọng và không thể tự lành. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai tái phát.

2.2. Chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại (RSI)

Hội chứng RSI được mô tả là sự tích tụ dần dần tổn thương cơ, gân và dây thần kinh do các chuyển động vai lặp đi lặp lại, chẳng hạn như giơ cao tay để thực hiện động tác đánh tennis, bóng chuyền, sải tay cùng một kỹ thuật khi bơi lội… Hệ quả là dây chằng ở vai trở nên lỏng lẻo hơn, dần dần làm cho vai không ổn định và dễ bị trật khớp nhiều lần.

2.3. Tính không ổn định của vai

Đây là một nguyên nhân hiếm gặp của trật khớp bả vai nhiều lần. Trong trường hợp này, bệnh nhân chưa từng bị sái vai trước đó, dây chằng cũng không lỏng lẻo. Thế nhưng, vai vốn có tính không ổn định nên dễ dàng bị trật ra nhiều hướng vào bất kỳ thời điểm nào.

3. Ai có nguy cơ bị trật khớp vai tái diễn?

Một người dưới 21 tuổi từng trật khớp vai có tới 70 – 90% khả năng bị trật khớp bả vai tái phát. Độ tuổi càng lớn ở lần đầu tiên trật khớp vai thì khả năng tái phát càng nhỏ. Tuy nhiên, trình trạng trật khớp vai khi lớn tuổi lại tiềm ẩn một nguy cơ khác, đó là rách chóp xoay – bao gồm các gân bao quanh khớp ổ chảo, có vai trò quan trọng giúp vai vận động trơn tru, nhịp nhàng.

Trật khớp vai lâu năm không chỉ gây đau đớn cho bệnh nhân, hạn chế khả năng vận động mà còn dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm đối với hệ cơ xương như gãy xương vỡ bờ ổ chảo, tổn thương dây thần kinh xung quanh… Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị liệt hẳn đám rối thần kinh cánh tay. Vì vậy, việc điều trị trật khớp vai tái diễn cần được tiến hành sớm và đúng phương pháp nhằm phòng ngừa tái phát cũng như biến chứng về sau. 

4. Triệu chứng trật khớp vai tái diễn

Nếu thấy xuất hiện trở lại các triệu chứng dưới đây, có thể bạn đã bị trật khớp vai mãn tính:

  • Đau dữ dội ở khớp vai
  • Khó cử động cánh tay 
  • Vai lỏng lẻo, có thể nghe thấy tiếng bật hoặc tiếng tách
  • Vùng vai và cánh tay bị tê, ngứa ran và yếu
  • Sưng hoặc bầm tím vùng bị chấn thương
  • Biến dạng vùng khớp vai, có thể nhìn rõ bằng mắt thường
  • Khớp vai bị trật từ 2 lần trở lên, và sau mỗi lần trật sau thì nắn khớp vào sẽ dễ hơn lần trước, thậm chí người bệnh có thể tự nắn được khớp vai sau khi bị trật

5. Trật khớp vai tái diễn có gây biến chứng gì không?

          Nếu tình trạng chấn thương nghiêm trọng hoặc không kịp thời phát hiện và thực hiện đúng cách trong việc điều trị, người bị trật khớp vai còn có thể đối mặt với một số biến chứng gồm có: 

- Bị rách dây chằng, cơ và cả gân ở vùng khớp vai. 

- Dây thần kinh hoặc mạch máu bên trong hoặc xung quanh khớp vai bị tổn thương.

- Có thể làm tắc động mạch nách.

- Khớp vai trở nên không ổn định khiến chấn thương dễ bị tái phát. 

- Kìm hãm những vận động ở vai khiến cơ thể gặp khó khăn khi thực hiện ném, nắm, giữ thăng bằng... 

- Bị gãy xương kèm theo. 

 6. Bác sỹ chấn đoán trật khớp vai tái diễn dựa trên những gì?

          Bác sỹ chuyên khoa sẽ chẩn đoán xác định trật khớp vai tái diễn dựa trên: 

– Đánh giá tình trạng lâm sàng: Các triệu chứng cơ năng, các nghiệm pháp được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.

          – Cận lâm sàng chẩn đoán:

                    + X-quang khớp vai: Các tổn thương Bankart của ổ chảo và Hillsach của chỏm xương cánh tay

+ Cộng hưởng từ khớp vai: Có giá trị chẩn đoán cao nhất, giúp đánh giá bao khớp và sụn viền phía trước của khớp vai, ngoài ra đánh giá tổn thương Hillsach ở chỏm xương cánh tay

+ Cắt lớp vi tính khớp vai: Giúp đánh giá gãy xương kèm theo, đồng thời đánh giá khuyết xương bờ trước ổ chảo để xem xét ghép xương, hỗ trợ quá trình điều trị.

          – Các cận lâm sàng khác: X-quang ngực, xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu… để hỗ trợ điều trị.

7. Có những cách xử trí và điều trị khi bị trật khớp vai tái diễn nào?

7.1. Điều trị không phẫu thuật

Trật khớp bả vai lâu năm hồi ở mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật, cụ thể là:

  • Chườm lạnh nhiều lần trong ngày để giảm đau và sưng.
  • Nắn lại vai: Bác sĩ dùng thao tác nhẹ nhàng để nắn xương vai. Khi xương vai trở lại đúng vị trí ban đầu, triệu chứng sẽ cải thiện ngay lập tức.
  • Cố định khớp vai: Người bệnh sẽ phải bó bột, mặc áo desalt hoặc băng đeo để giữ vai ổn định. Thời gian đeo nẹp hoặc băng phụ thuộc vào tình trạng trật và bạn bắt đầu mang nẹp ở giai đoạn nào của chấn thương. Thông thường sẽ phải cố định khớp vai khoảng 3 đến 4 tuần.
  • Dùng thuốc steroid chống viêm (NSAID): Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân bị đau do trật tái hồi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày cũng như giảm chất lượng cuộc sống.
  • Vật lý trị liệu: Giống như hầu hết các chấn thương liên quan đến xương khớp, bệnh nhân trật tái hồi phải trải qua một hoặc nhiều đợt vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn. Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Trong quá trình điều trị này, bạn phải thực hiện các bài tập dành cho vai để củng cố khớp và duy trì khả năng vận động của khớp.

Cần lưu ý, các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể mất hàng tháng mới cho thấy kết quả. Vì vậy, bạn phải kiên nhẫn trong suốt quá trình trị liệu. Nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật không mang lại kết quả như mong đợi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.

7.2. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Có 2 loại phẫu thuật trật khớp vai tái diễn. Đối với phẫu thuật mở, một vết rạch sẽ được thực hiện ở vùng vai bị chấn thương để bác sĩ sửa chữa, tái tạo vùng cơ, gân, dây chằng bị tổn thương bên trong. Đây là phương pháp mổ truyền thống với nhiều nhược điểm: nguy cơ biến chứng sau mổ cao, dễ nhiễm trùng, thời gian phục hồi lâu (5-7 ngày trong bệnh viện, ít nhất 2 tuần sau đó vết mổ mới lành hoàn toàn), để lại sẹo mổ dài và xấu.

Hiện nay, các bệnh viện Bưu Điện có cơ sở trang thiết bị hiện đại đã áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi khớp vai điều trị trật vai tái diễn. Phương pháp này khắc phục gần như toàn bộ nhược điểm của phương pháp mổ mở với với độ an toàn cao, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, ít đau, hạn chế tối đa biến chứng, sẹo mổ nhỏ… Đồng thời, bệnh nhân không bị hạn chế vận động vùng vai, sau 2-3 ngày được xuất viện. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, giảm nguy cơ tái phát nhờ phối hợp tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

8. Phòng ngừa trật khớp vai tái diễn: 

Để hạn chế tối đa tình trạng trật xương vùng bả vai mãn tính, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:

8.1. Tăng cường sức mạnh cho vai

  • Điều chỉnh hoạt động: Nếu nguyên nhân khiến bạn bị trật khớp vai nhiều lần là do hoạt động lặp đi lặp lại một động tác, bác sĩ sẽ đề nghị giảm tần suất hoạt động. Đối với các vận động viên, điều này khá khó khăn vì họ khó lòng từ bỏ bộ môn thể thao mình yêu thích. Giải pháp là bạn nên tập thêm nhiều kỹ thuật khi chơi thể thao, tránh việc sử dụng một động tác nhiều lần.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng tính linh hoạt cho cơ vai, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Bạn hãy chọn các bài tập vận động phần trên của cơ thể, chẳng hạn như bơi lội, quần vợt, bóng chuyền hoặc bóng rổ.
  • Thực hiện các bài tập giúp tăng sức mạnh cho cơ vai như tập tạ, xà đơn, dây kéo… 

8.2. Bảo vệ vai tối đa

  • Tránh ngã: Trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi tập luyện sẽ khó tránh khỏi té ngã khiến chấn thương vùng vai. Nếu chẳng may bị ngã, bạn đừng cố dùng tay hoặc khuỷu tay để chống. Hành động này tưởng đúng nhưng lại khiến bạn dễ bị trật vai. Tốt nhất là giữ cổ tay và khuỷu tay ở tư thế uốn cong, đồng thời vặn người để tiếp đất bằng một bên hông hoặc mông chứ không phải lưng.
  • Mang miếng đệm bảo vệ vai và đồ bảo hộ khác khi chơi thể thao: Một trong những nguyên nhân chính gây chệch khớp vai tái diễn là do chấn thương thể thao. Do đó, việc mang miếng đệm bảo vệ vai sẽ giúp bạn tránh được chấn thương này.
  • Không vội quay lại sân tập khi chấn thương chưa lành hẳn: Đừng nôn nóng tập luyện trở lại quá sớm kẻo bị sái khớp vai một lần nữa. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thời điểm hợp lý để quay lại tập luyện.

__________________________________

Để chẩn đoán và điều trị sớm, chính xác các bệnh lý liên quan đến bệnh lý xương khớp, hãy liên hệ ngay với Bs Bùi Đức Ngọt (Zalo: 0973932912) và Bs Nguyễn Minh Phượng của BsXuongkhop.com - Bác sỹ giỏi, chuyên môn tay nghề cao, chuyên sâu về Chấn thương chỉnh hình với +10 năm kinh nghiệm điều trị và tiên phong áp dụng các biện pháp hiện đại, tiên tiến, đem lại sự hồi phục chức năng, tự tin quay trở lại với niềm đam mê thể thao và cuộc sống thường ngày.