Bác sỹ Xương khớp online xin chào, chúc bạn sức khỏe và bình an!
Phòng khám Xương khớp online

Gãy xương đòn

Thứ Bảy, 08/06/2024
Ngọt Bùi Đức

Gãy xương đòn là một trong các tổn thương thường gặp nhất trong các gãy xương vùng vai, chiếm tỉ lệ 35-43% đối với các chấn thương vùng vai và 4% đối với các chấn thương gãy xương nói chung. Xương đòn là xương có dạng chữ S, nối giữa xương ức và mỏm cùng vai xương bả vai và giữ vai trò như một "đòn gánh" để treo và vận động chi trên nên khi tổn thương xương này, ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng khớp vai và chi trên. Xương đòn có tỷ lệ liền cao và việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ được bác sỹ chuyên khoa cân nhắc theo từng trường hợp cụ thể.

1. Nguyên nhân dẫn đến gãy xương đòn vai

Xương đòn gồm hai xương nằm phía trên lồng ngực, kết nối giữa xương ức và mỏm cùng vai của xương vai, kết nối chi trên vào cơ thể. Phía dưới và sau xương đòn có hệ thống đám rối thần kinh cánh tay và bó mạch thần kinh dưới đòn đi qua, giúp cấp máu và chi phối thần kinh cho chi trên.  vị trí có nhiều dây thần kinh và mạch máu quan trọng, tuy nhiên, hầu hết các ca gãy xương đòn rất ít khi ảnh hưởng đến các cấu trúc quan trọng này thậm chí xương đòn khi gãy làm các đầu xương di lệch đi so với vị trí ban đầu.

Hầu hết, các trường hợp gãy xương đòn đều có nguyên nhân là do tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt và tai nạn lao động. Thông thường, có đến 80% các ca gãy xương đòn là do các chấn thương gián tiếp ngã đập hoặc chống tay trong tư thế dạng. Các trường hợp gãy xương đòn trực tiếp chiếm 20% và đa phần đều là các chấn thương hở.

2. Các phương pháp điều trị gãy xương đòn vai

Trước khi tiến hành điều trị gãy xương đòn, bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán tình trạng gãy xương để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Chẩn đoán lâm sàng dựa vào các triệu chứng như: Đau, sưng nề, biến dạng ( nơi gãy gồ lên dưới da), ấn có dấu hiệu bập bềnh (phím đàn Piano), tiếng lạo xạo đầu xương, giảm hoặc mất cơ năng vai. Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ còn thực hiện chụp phim XQ vai thẳng, nghiêng xương đòn để xác định đường gãy , vị trí, tính chất, di lệch của xương đòn. Để đánh giá gãy xương đòn một cách chính xác hơn thì cần chụp cắt lớp vi tính( kiểu gãy, di lệch). Nếu gãy xương đòn có chỉ định mổ thì cần làm các xét nghiệm và cận lâm sàng trước mổ .

Điều trị gãy xương đòn vai hiện nay thường được thực hiện theo hai cách là điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.

 

2.1 Điều trị bảo tồn

Đối với điều trị gãy xương đòn, nhiều bệnh nhân sẽ có những câu hỏi như: Gãy xương đòn có cần bó bột hay không? thì câu trả lời ở đây như sau:

Gãy xương đòn thường dễ liền , tuy nhiên việc nắn và cố định xương xương đòn ở một chỗ là rất khó. Trước kia, để cố định xương đòn, bác sĩ phải thực hiện bó bột cho bệnh nhân (Bó bột số 8 hoặc ngực vai cánh tay). Tuy nhiên ngày nay, phương pháp bảo tồn không cần thực hiện bó bột nữa vì nó gây nhiều bất tiện cho người bệnh, thay vào đó bác sĩ sử dụng phương pháp bảo tồn nhẹ nhàng hơn đối với bệnh nhân là sử dụng băng số 8 hoặc áo Dasault để cố định xương gãy.

Phương pháp bảo tồn thường được chỉ định với hầu hết các trường hợp gãy xương đòn, tuy nhiên do không thể nắn hết được di lệch nên thường liền lệch, tuy vậy không ảnh hưởng đến chức năng của vai.

2.2 Điều trị phẫu thuật

Rất ít trường hợp gãy xương đòn phải điều trị bằng phẫu thuật vì xương đòn dễ liền(2-3 tháng). Các trường hợp sau đây sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật để điều trị gãy xương đòn vai:

  • Gãy xương đòn có tổn thương đến thần kinh hoặc mạch máu, tổn thương thủng màng phổi, gãy xương đe dọa chọc thủng da, gãy xương đòn di lệch nhiều, gãy xương đòn kèm theo gãy xương chi trên, gãy xương sườn..
  • Các trường hợp gãy xương đòn hở .
  • Điều trị phẫu thuật bao gồm hai kỹ thuật như sau: Phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít( thường được áp dụng) và bằng đinh Kirschner.

 

Tuy phẫu thuật giúp người bệnh nhanh chóng liền xương nhưng phương pháp này cũng có những rủi ro nhất định ví dụ viêm xương, nhiễm trùng vết mổ, chồi đinh, gãy nẹp, có sẹo mổ vùng trước xương đòn ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

3. Gãy xương đòn vai bao lâu thì lành lại?

Gãy xương nói chung và gãy xương đòn nói riêng đều cần một khoảng thời gian nhất định để lành lại, tùy vào phương pháp điều trị mà thời gian lành xương cũng khác nhau.

  • Đối với phương pháp điều trị bảo tồn, thời gian lành xương từ 4-8 tuần (liền vững từ 2-3 tháng), tuy nhiên người bệnh phải mang đai trong suốt khoảng thời gian này.
  • Đối với bệnh nhân sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị gãy xương đòn, người bệnh có thể hoạt động sớm hơn so với người sử dụng phương pháp bảo tồn nhờ vào các phương tiện được đặt bên trong.
  • Để người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng, người bệnh có thể bổ sung thêm Canxi và Vitamin D thông qua thực phẩm để quá trình liền xương diễn ra nhanh chóng hơn. Người bệnh cũng nên đi tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể theo dõi sát sao tình trạng liền xương của mình cũng như có các biện pháp xử lý kịp thời nếu có các dấu hiệu bất thường xảy ra.

__________________________________

Để chẩn đoán và điều trị sớm, chính xác các bệnh lý liên quan đến bệnh lý xương khớp, hãy liên hệ ngay với Bs Bùi Đức Ngọt (Zalo: 0973932912) và Bs Nguyễn Minh Phượng của BsXuongkhop.com - Bác sỹ giỏi, chuyên môn tay nghề cao, chuyên sâu về Chấn thương chỉnh hình với +10 năm kinh nghiệm điều trị và tiên phong áp dụng các biện pháp hiện đại, tiên tiến, đem lại sự hồi phục chức năng, tự tin quay trở lại với niềm đam mê thể thao và cuộc sống thường ngày.

Viết bình luận của bạn
Mục lục
Mục lụcNội dung bài viếtx