Ngón tay cò súng (Trigger finger)
Tổng quan
Ngón tay cò súng, thuật ngữ tiếng anh là Trigger finger là một bệnh lý thường gặp, có thể xảy ra ở một hoặc nhiều gân của bàn tay, bệnh lý này khiến cho ngón tay gặp khó khăn khi gấp hoặc duỗi.
Khi một gân hoặc đường hầm mà gân chạy qua (tiếng việt gọi là bao hoạt dịch, tiếng anh: Tendon sheath) trở nên viêm và phù nề khiến cho gân di động qua ròng rọc (pulley) trở nên khó khăn và bị mắc lại. Điều này khiến cho việc cử động ngón ta bị hạn chế và có thể gây ra hiện tượng ngón tay bị "bật" khi vị trí gân này chui qua ròng rọc, giống như lò xo bị nén và ngón tay bị giữ ở tư thế gấp đó, giống động tác bóp cò súng.
Ngón tay cò súng có thể được gọi với tên gọi khác là viêm bao gân xơ hóa (stenosing tenosynovitis) hoặc hẹp bao gân xơ hóa (Stenosing tenovaginosis). Nó có thể xảy ra ở ngón cái hoặc bất kỳ ngón tay nào.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh lý này có thể bao gồm: Đau ở phần gốc của ngón tay khi vận động hoặc ấn vào nó, có thể kèm theo cứng hoặc cảm giác "bật" khi vận động ngón tay này, thường xảy ra vào buổi sáng.
Nếu tình trạng trên trở nên xấu hơn, triệu chứng đau có thể lan ra khắp bàn tay. Bạn có thể sờ thấy một cục tròn ở phần gan tay của góc ngón tay, tương ứng vị trí gân bị viêm. Đôi khi ngón tay bị kẹt ở tư thế gấp và đột ngột bật thẳng ra khi cố vận động. Một số trường hợp hạn chế gấp và duỗi tối đa.
Nguyên nhân
Ngón tay cò súng xảy ra khi gân hoặc bao hoạt dịch của gân bị viêm và phù nề. Trong trường hợp này khiến cho gân không thể trượt một cách dễ dàng qua các ròng rọc và có thể lồi lên tạo thành một nốt ở trên gân. Chính nốt này khiến gân bị mắc kẹt tại ròng rọc và gây nên tiếng bật và đau khi nốt này trôi qua đường hầm.
Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa rõ ràng, có thể có một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh lý này tiến triển. Chằng hạn: Thường xảy ra ở phụ nữ, trên 40 tuổi và có thể mắc một số bệnh nền.
Co rút gân Dupuytren có thể là tăng nguy cơ xảy ra ngón tay cò súng. Trong trường hợp này, các mô liên kết dày lên ở gan tay khiến xảy ra bệnh lý ngón tay cò súng ở một hoặc nhiều ngón tay.
Bệnh lý ngón tay cò súng cũng hay gặp trên các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp.
Điều trị
Ở một số người, bệnh lý ngón tay cò súng có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, việc không điều trị có thể khiến cho ngón tay bị mất duỗi và khiến ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Nghỉ ngơi - Hạn chế các vận động mạnh của bàn tay, nhất là các động tác gấp và duỗi ngón tay bị bệnh. Đi kèm với đó là chườm lạnh vào vùng viêm. Việc chườm lạnh có thể được thực hiện ngày 2-3 lần, mỗi lần 30 phút. Việc chườm nóng và dùng cao/tinh dầu để bôi vào có thể khiến tình trạng bệnh xấu đi, nhất là trong giai đoạn viêm cấp.
- Dùng thuốc uống: Thường dùng các loại thuốc uống giảm đau, giảm viêm non-steroid (NSAIDs) như voltaren, mobic, celecoxib... để giảm đau và giảm viêm. Thuốc uống giảm viêm, giảm đau hiệu quả rất tốt trong các giai đoạn sớm của bệnh. Nhược điểm của phương pháp điều trị này là hiệu quả ngày càng giảm, nhất là khi bệnh ở giai đoạn muộn và có một số tác dụng phụ lên dạ dày, gan và thận.
- Bó bột hoặc dùng nẹp ngón: Thường sử dụng các nẹp chuyên dụng hoặc bột thủy tinh để kiểm soát và hạn chế vận động của ngón tay.
- Tiêm corticoid: Tiêm corticoid vào gân giúp giảm viêm và phù nề của gân, nhờ đó cải thiện triệu chứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, corticoid có nhiều tác dụng phụ, đôi khi khá nghiêm trọng (như rối loạn đường máu, rối loạn phân bố mỡ, loãng xương, suy thượng thận, nhiễm trùng) vì vậy việc tiêm corticoid cần được thực hiện ở các cơ sở y tế đủ điều kiện và mỗi năm chỉ nên thực hiện 2 - 3 lần tiêm, nếu số lần tiêm nhiều hơn thì nên xem xét nâng bậc điều trị vì lúc này nguy cơ và tác dụng phụ cao hơn hiệu quả điều trị.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cho phép gân có thể di chuyển linh hoạt trở lại.
Phẫu thuật thường chỉ được chỉ định trong các trường hợp các phương pháp điều trị khác thất bại. Hiệu quả của phẫu thuật có thể lên đến 100%, tuy nhiên, để quay lại hoàn toàn với công việc thì cần 2 - 4 tuần để hồi phục.