Bác sỹ Xương khớp online xin chào, chúc bạn sức khỏe và bình an!
Phòng khám Xương khớp online

Chấn thương thường gặp khi chạy bộ

Thứ Ba, 12/09/2023
Ngọt Bùi Đức

Viêm gân, bong gân, căng cơ bắp chân ở người chạy bộ có thể phòng ngừa bằng cách khởi động và giãn cơ đúng cách.

ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết khi chạy bộ, chân liên tục lặp đi lặp lại một động tác, làm tăng nguy cơ tổn thương ở cơ, khớp và các mô liên kết. Dưới đây là một số chấn thương thường gặp.

Viêm gân bánh chè xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục trong thời gian dài hoặc không được khởi động kỹ trước khi vào bài tập chính, từ đó gây viêm gân xương bánh chè, dẫn đến sưng đau.

Viêm gân Achilles còn gọi là viêm gân gót chân, chủ yếu xảy ra do căng thẳng lặp đi lặp lại nhiều lần ở chân. Các triệu chứng đặc trưng như đau rát hoặc đau cứng phần thấp của bắp chân vào buổi sáng; đau vùng gót, nhất là khi căng gót hoặc đứng nhón gót. Nếu đứt gân, người bệnh bị đau dai dẳng, gót chân phù nề.

Bong dây chằng cổ chân thường xảy ra sau va chạm hoặc té ngã trong quá trình chạy. Khi chấn thương, bàn chân lật vào trong gây tổn thương dây chằng bên ngoài hoặc lật ra ngoài gây tổn thương dây chằng bên trong.

Hội chứng dải chậu chày thường gặp khi chạy bộ, nhất là chạy đường dài. Chấn thương xảy ra do vận động chân quá sức, làm căng và viêm dải chậu chày.

Hội chứng căng xương chày xảy ra khi các cơ bắp, gân và mô xương trở nên quá tải. Dấu hiệu đặc trưng là đau dọc mặt trước hoặc mặt trong xương chày (cẳng chân). Chấn thương này không nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp, nếu không được điều trị đúng cách có thể tiến triển thành gãy xương.

Viêm cân gan bàn chân là tổn thương làm gân cơ bàn chân bị kéo căng, mất tính đàn hồi và giảm khả năng chịu lực. Chấn thương này có thể chuyển thành mạn tính, tái phát nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến dáng đi của người bệnh.

Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là một lớp đệm mỏng nằm trong bao khớp, chứa chất nhầy hoạt dịch. Tác dụng của hoạt dịch là bôi trơn hệ thống xương khớp, nuôi dưỡng các sụn khớp. Khi chạy bộ trong thời gian dài, khớp gối phải hoạt động nhiều, gây quá tải, rất dễ dẫn đến viêm bao hoạt dịch.

Rách sụn chêm: Sụn chêm có tác dụng ổn định khớp, bảo vệ xương không bị hao mòn. Tuy nhiên, chỉ cần một cú xoay gối đột ngột khi chạy bộ có thể gây rách sụn chêm. Trong một số trường hợp, một phần sụn gối bị rách, vỡ ra, kẹt vào khớp có thể gây thoái hóa khớp.

Căng cơ bắp chân là tình trạng tổn thương các cơ ở phía sau chân. Các cơ ở bắp chân bị căng gây khó chịu, khiến bàn chân, mắt cá chân và đầu gối đều không thể hoạt động như bình thường. Người bệnh phải tạm ngừng những hoạt động thể dục thể thao, đôi khi có thể khó đi lại.

Để phòng ngừa những chấn thương này, người chạy bộ không nên tăng quãng đường chạy quá 10% mỗi tuần. Cơ thể phải hoạt động nhiều hơn một cách đột ngột là nguyên nhân chính dẫn tới chấn thương khi chạy bộ.

Khởi động, giãn cơ đúng cách trước khi chạy giúp cơ bắp, nhịp tim và nhịp thở thích nghi dần với cường độ hoạt động đang được tăng lên. Đây là những bước quan trọng mà người chơi bất kỳ môn thể thao nào không nên bỏ qua. Người chạy bộ nên thay giày mới sau mỗi 600 km hoặc khi đã bị mòn. Chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng phù hợp có tác dụng hỗ trợ quá trình phục hồi và tái tạo của cơ thể.

Bác sĩ Ân khuyến cáo người chạy nghiệp dư hoặc chuyên nghiệp đều có nguy cơ gặp chấn thương. Nếu không có biện pháp chăm sóc tốt, chấn thương khi chạy bộ cản trở sinh hoạt, phát triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bị chấn thương nên theo dõi các biểu hiện của cơ thể, đi khám sớm khi phát hiện bất thường.

Viết bình luận của bạn